
Thứ nhất: Nguồn vốn đa dạng
Luật Các tổ chức tín dụng quy định rất chặt chẽ về dư nợ cấp tín dụng của một ngân hàng, theo đó khống chế mức giới hạn tối đa cho vay đối với một khách hàng là không quá 15% vốn tự có của ngân hàng, dư nợ cấp tín dụng bao gồm cả TPDN, chính vì vậy nếu một doanh nghiệp đã đến giới hạn cấp tín dụng thì không thể tiếp tục vay tại ngân hàng đó nữa mà phải tìm kiếm các nguồn vốn khác. Đối tượng mua TPDN rất đa dạng bao gồm cả tổ chức và cá nhân không nhất thiết phải là ngân hàng, do đó bản thân TCPH có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư rất đa dạng.
Thứ hai: Điều kiện, thủ tục phát hành TPDN đơn giản hơn thủ tục vay ngân hàng
Để một doanh nghiệp có thể vay được vốn ngân hàng cần rất nhiều điều kiện, thủ tục phê duyệt phức tạp và tiền vay giải ngân theo tiến độ từng dự án cụ thể theo đúng mục đích vay vốn của doanh nghiệp. Đáp ứng được hết các điều kiện này dường như là quá khả năng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp mới thành lập bởi các doanh nghiệp này hầu như chưa có dòng tiền ổn định, không có/có tài sản bảo đảm nhưng giá trị thấp, đội ngũ sáng lập trẻ thiếu kinh nghiệm…. Mặt khác, kể cả các doanh nghiệp này có thể vay được ngân hàng qua gói tín dụng thì tiến độ giải ngân cũng phải phụ thuộc vào dự án, điều này làm các ông chủ doanh nghiệp bị động và đôi khi mất đi các cơ hội kinh doanh. Trái phiếu doanh nghiệp chính là giải pháp mang tính chủ động và hợp lý hơn đối với các doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt nhưng khó tiếp cận nguồn vốn vay qua hợp đồng tín dụng ký với ngân hàng.
Điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ:
- Năm thành lập: TCPH có thời gian hoạt động tối thiểu là 01 (một) năm
- Báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm phát hành:
- Phải được kiểm toán;
- Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi;
- Báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp thuận toàn phần;
- Đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn và các hạn chế khác về đảm bảo an toàn trong hoạt động đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại pháp luật chuyên ngành;
- Đối với phát hành trái phiếu để đầu tư cho các chương trình, dự án doanh nghiệp phải đảm bảo duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% trên tổng mức đầu tư của chương trình, dự án;
- Phê duyệt: Phương án phát hành trái phiếu được Đại hội đồng cổ đông/Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty phê duyệt;
- Đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền còn phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Thuộc đối tượng được phát hành trái phiêu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm theo chứng quyền;
- Đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài;
- Các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất sáu (06) tháng.
Về cơ bản, điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ khá đơn giản và không cần thông qua bất cứ cơ quan nhà nước nào phê duyệt
- - Yêu cầu doanh nghiệp có tối thiểu 01 (một) năm thành lập.
- -Yêu cầu vốn chủ sở hữu 20% trên tổng mức đầu tư dự án cũng thấp hơn so với yêu cầu của ngân hàng khi cấp hạn mức tín dụng (thông thường ngân hàng sẽ yêu cầu từ 30% - 70%).
Thứ ba: Tính thanh khoản cao hơn cho chủ nợ
TPDN là một loại chứng khoán vì vậy nó có tính thanh khoản cao hơn khoản vay bình thường. Đặc tính này của TPDN là một ưu thế hấp dẫn các trái chủ (nhà đầu tư mua trái phiếu) khi có thể chuyển nhượng khoản vay trước thời điểm đáo hạn và hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá chuyển nhượng so với giá mua ban đầu, trái chủ cũng có thể dùng TPDN như một tài sản để cầm cố, cho, tặng, để lại thừa kế, chiết khấu với thủ tục đơn giản hơn rất nhiều so với chuyển nhượng khoản vay thông thường.
Thứ tư: Trách nhiệm pháp lý của TCPH
TCPH có trách nhiệm pháp lý rất cao đối với hồ sơ phát hành TPDN và phải tuân thủ chế độ thông báo, báo cáo kết quả phát hành và báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi TPDN. Hành vi lập hồ sơ phát hành TPDN có thông tin sai sự thật hoặc che dấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng có thể bị thu hồi trái phiếu đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua trái phiếu cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà TCPH mở tài khoản thu tiền mua trái phiếu. Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm và lỗi của TCPH mà TCPH có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị cấm kinh doanh, cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Như vậy, khi một doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu sẽ phải ràng buộc rất nhiều trách nhiệm pháp lý, điều này đảm bảo minh bạch và lành mạnh cho hoạt động huy động và sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Ref: Doan-Tuan-Vu
0 Comments
Cám ơn bạn đã nhận xét nhé.