Nếu sớm mai thức dậy tôi mà biết được thị trường đã tạo đáy thì chắc chắn tôi sẽ mở một vị thế long và quên nó đi, trong một khoảng thời gian ví dụ một vài tháng?
Nhưng tôi phải rất cảnh giác: Có phải tôi đang định BẮT ĐÁY không? Mà bắt đáy là gì vậy?
Theo định nghĩa thông thường nhất đáy (bottom) là thời điểm mà giá thị trường (cổ phiếu, chỉ số, forex...) bắt đầu xu hướng tăng sau kỳ xu hướng giảm. Hay cũng có thể hiểu đáy là mức giá mà tại đó giá thị trường bắt đầu xu hướng tăng sau kỳ xu hướng giảm.
Nhưng xu hướng tăng và giảm ở đây cụ thể nên hiểu thế nào thì người ta không nói rõ. Ví dụ thị trường đang giảm sau nó tăng vài phiên sau đó lại giảm thì điểm lower low vừa rồi có thể gọi là đáy không? Hay như người ta thường gọi đó chính là đáy ngắn hạn?
Rất có thể từ cứu cánh là xu hướng? Như vậy chúng ta bắt buộc phải quay lại định nghĩa thế nào là xu hướng tăng thế nào là xu hướng giảm, tất nhiên trong một khung thời gian nhất định của biểu đồ giá (ở đây ta mặc định là ngày). Nếu kết hợp với khái niệm thị trường sideaways thì có lẽ khái niệm đáy (thực sự) chỉ có nghĩa khi nói thị trường chuyển xu hướng từ giảm sang tăng?
Như vậy rất có thể chúng ta đã lạm phái với từ BẮT ĐÁY? Không tin các bạn cứ lật lại các bài báo ba bốn tháng nay, từ bắt đáy dùng khá nhiều lần mà thực sự thị trường vẫn đang xu hướng giảm, nên không thể gọi là đáy bất cứ điểm lower low nào?
Tôi hiểu khát vọng của các nhà đầu tư chứng khoán mong muốn biết được đáy ở đâu (và đồng nghĩa khi nào) để “bắt đáy”, vì đó chính là cơ hội ngàn năm có một cho một kế hoạch đầu tư chắc thắng.
Tất nhiên khái niệm lướt sóng cũng không hoàn toàn vô nghĩa. Ví dụ nếu bạn có 1000 cổ phiếu VCB thì bạn vẫn có thể mua 500 khi “bắt đáy”, và lại bán nó đi sau 1,2 ngày (mà không cần chờ cổ phiếu về do T+3, vì bạn còn sở hữu dư cổ phiếu VCB). Nhưng “chơi” kiểu này là con dao hai lưỡi, vì trong khi thị trường giảm nó tăng thì chậm, giảm thì quá nhanh, chỉ cần bất cẩn là lãi ít có thể trở thành lỗ tiếp.
Do vậy trong thị trường giảm chỉ có phái sinh là cứu cánh? Nhưng bằng kinh nghiệm của bản thân bạn không thể nửa vời khi giao dịch phái sinh, nó đòi hỏi toàn thời gian và tập trung cao độ. Có ba cạm bẫy mà chúng ta thể nào cũng từng mắc phải là:
Lỗi lo sợ bị lỡ đò: Bạn thấy có bao người khoe thị trường này lãi lắm, chứng minh bằng tài khoản tăng của họ, bạn nhìn thấy thị trường đang tăng mạnh mà mình chưa mở được vị thế long, và do vậy bạn muốn tham gia ngay bằng mọi giá, thế là bạn mở vị thế long đúng đỉnh và sau khi vừa mở xong thì thị trường quay lại ngay với momentum mạnh làm bạn bị stopout. Bạn nghĩ chắc thị trường lại bắt đầu giảm rồi nên mở tiếp vị thế short, nhưng giống như lần trước vừa mở xong cũng lại bị stopout ngay, bởi vì thị trường lại quay lên. Lý do chính ở đây là bạn lỡ nhịp khi thị trường trending lên, và khi bạn tham gia cũng vừa lúc xu hướng kết thúc, thị trường đã thành sideaways, nên việc bạn mua cao (hay ngược lại là bán thấp) đương nhiên sẽ bị stopout. Nhưng vì cảm giác nuối tiếc lỡ đò nên bạn không nhận ra ngay sự thay đổi này.
Ăn miếng trả miếng, cay cú với thị trường: Sau khi có phiên thắng lớn bạn có cảm giác hưng phấn, thấy mình quá “tài năng”, nên hôm sau khi thị trường sideaways mà bạn vẫn tiếp tục tư tưởng trending của ngày hôm qua, nếu bị stopout bạn cảm thấy rất bực tức với thị trường, và muốn lấy lại ngay số tiền vừa mất. Và đó là điểm khởi đầu của vòng xoáy của những giao dịch vô nguyên tắc cực kỳ nguy hại.
Sự nhầm lẫn về khái niệm xác xuất: Chúng ta ai cũng biết là thị trường chỉ trending khoảng 20% thời gian, còn 80% thời gian là nó sideaways với xác xuất tăng giảm là 50:50. Nhưng điều này không bao giờ có nghĩa là sau một hay một vài vị thế lỗ thì vị thế tiếp theo của bạn sẽ là lãi, mà ngược lại bạn có thể lỗ liên tục đến 10 vị thế. Lý do? Đó là do bạn mở vị thế theo tâm lý chứ không theo ngẫu nhiên ngay khi thị trường sideaways.
Cuối cùng như thường lệ tôi lại điểm qua thị trường phái sinh 1 tháng với biểu đồ ngày đã quen thuộc. Như vậy thị trường cuối cùng đã xuống D2 khoảng 850-860 theo một trong những hướng đã dự đoán. Mức 860 có thể nói là một mức hỗ trợ khá mạnhvì nó đã được test nhiều lần? Nến thứ 4 tuần trước là một pin bar đuôi dài, giá bật trở lại từ mức hỗ trợ mạnh là một tín hiệu sức mua mạnh lên. Nhưng nến ngày hôm sau lại hoàn toàn ngược lại, chỉ có thứ 6 là nến bull khẳng định xu hướng rõ ràng hơn. Thêm vào nữa chỉ số MACD có “nguy cơ” cắt lên và tạo bullish divergence với giá, mặc dù điều này không hoàn toàn đáng tin cậy lắm, nhưng sự hiếm hoi lần này có thể đúng. Tuy vậy với quan niệm cho rằng chúng ta đã đang ở thị trường giảm nên đích E1 ở ngưỡng B1 991.5 tôi chỉ coi là mức lạc quan tối đa của nhịp tăng có thể này. Còn thông thường nó chỉ có thể chạm tới đường xanh lá cây hay đỏ của alligator là cùng, rồi lại quay xuống. Nhưng ít nhất chúng ta lại sẽ là nhân chứng của một nhịp tăng kiểm nghiệm những tín hiệu mà phân tích giá (price action) có thể dự đoán. Đúng ra nếu chúng ta có số liệu chính xác về volume của mua và bán cùng với các orders khác thì có thể sẽ mô phỏng chính xác hơn nhịp tăng tối đa có thể tới đâu? Một lần nữa nếu nhịp tăng này chỉ lên tạo một lower high trên biểu đồ ngày thì chúng ta phải nói rằng chưa hề có đáy để bắt (theo nghĩa thuận cho đa số chiến lược đầu tư cổ phiếu). Tuy vậy nếu ta chuyển sang biểu đồ 4 giờ thì có thể khái niệm đáy sẽ thực tế hơn nhiều?
Tuy vậy đối với thị trường phái sinh và chiến lược Opening Range Strategy chúng ta không cần biết đáy ở đâu: Chúng ta sẽ long hay short khi tín hiệu phát ra và sẽ đứng bên lề sidelines nếu thị trường sideaways.
Nhưng kẻ thù của phái sinh chủ yếu vẫn là tâm lý thị trường, và sự chủ quan, hời hợt cố hữu, vô nguyên tắc, mất tập trung khi giao dịch luôn khiến chúng ta có thể mắc liên tục những sai lầm.
Cho nên tôi sẽ chú ý rèn luyện tâm lý giao dịch như là một nhiệm vụ hàng đầu.
0 Comments
Cám ơn bạn đã nhận xét nhé.